Trong lớp học của chúng tôi có nhiều người đặt câu hỏi kiểu như thế này:
“Cô ơi, mai nhà em có đám giỗ, em có nên tham gia hay không, vì nếu tham gia thì em phải xin phép cô nghỉ học một buổi ?”
“Cô ơi, em bị ốm, cô cho em xin phép nghỉ học buổi hôm nay nhé”
“Cô ơi, em phải sắp xếp lại việc gia đình, cô cho em nghỉ một tuần nhé”
Và kết quả họ thường nhận được là gì ? Đi đám giỗ gặp người quen nói ra nói vào vài câu, thế là đem theo cái bực tức về nhà để cau có với chồng con, rồi bệnh thì cũng không hết mà còn nặng hơn, việc nhà thì bạn cũng đoán được rồi đó, làm sao có thể sắp xếp được việc gia đình chỉ trong vòng một tuần vì bao nhiêu năm nay nó vốn đã là cái cách họ sống với nhau như thế ?
Lớp học, đúng hơn là lớp huấn luyện chuyển hóa tâm thức, là nơi để giúp họ tăng trưởng năng lực để vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, nhưng có lẽ hầu hết mọi người nghĩ rằng nó là nơi bất đắc dĩ phải tham dự, cho nên khi gặp chút vấn đề từ cuộc sống, có thể nói là rào cản, họ có lý do để nghỉ học, điều này có thể đến từ cái thói quen hơn 12 năm đi học theo ý muốn của cha mẹ, làm cho họ ấn tượng rằng đi học là nghĩa vụ, là bổn phận, là bất đắc dĩ mới phải đi học.
Lựa chọn sai, dẫn đến kết quả sai.
Cũng có một người bạn, rất thành công trong con đường kiếm tiền, người bạn ấy cảm thấy mình may mắn, bởi vì cho dù là có từng nếm trải thất bại, nhưng nhờ bài học thất bại đó mà sau này gặt hái được nhiều thành quả đến mức không hiểu lý do tại sao mình lại có được may mắn như thế, chỉ cảm thấy rằng tại mỗi dự án kiếm tiền mình đã ra những quyết định đúng, dẫn đến lựa chọn đúng mà thôi.
Người bạn đó băn khoăn hỏi chúng tôi làm thế nào để biết được quyết định mình sẽ ra là đúng đắn ?
Và ở đây, cùng với câu chuyện của những người học viên trong lớp huấn luyện, tôi hi vọng bạn có thể nhận ra, ít nhất là mỗi sự việc xảy ra, bạn có tự do để lựa chọn, đồng nghĩa với việc bạn có quyền tự do để ra quyết định, và chính sự lựa chọn (ra quyết định) đó sẽ dẫn tới kết quả tiếp theo dành cho bạn, tốt hay xấu tùy thuộc vào việc bạn ra quyết định đúng đắn hay không, và cho dù là tốt hay xấu thì kết quả sẽ được tích lũy vào trong “bảng thành tựu cuộc đời” của bạn, và bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình.
Trong cuộc sống bạn sẽ phải liên tục ra quyết định, ngủ nướng hay không ngủ nướng, ăn món này hay món kia, làm hay không làm một việc gì đó, nói hay không nói một câu gì đó, mua hay không mua món đồ nào đó, chọn công ty này hay chọn công ty kia, vv
Và hầu hết, có thể nói là tới 99% những quyết định hàng ngày, cũng có thể nói là trong cuộc đời của bạn là những quyết định tự động, những quyết định này tạo ra cuộc sống tầm thường của bạn ở hiện tại. Chỉ còn lại 1% quyết định có thể giúp bạn thay đổi cuộc đời, đó là những quyết định khi bạn có sự ý thức về việc mình sẽ ra quyết định và nó sẽ mang đến kết quả như thế nào.
Tin vui là cuộc đời sẽ tự tốt lên một cách tự động một khi bạn đã quen với việc ý thức về việc ra quyết định, hãy chú ý liên tục vào chính mình sẽ thấy mình đang chuẩn bị có phản ứng như thế nào và mình có quyền điều chỉnh kịp thời, quyết định tầm thường sẽ không còn tự động nữa, nó sẽ thay bằng những quyết định đúng đắn và việc ra quyết định đúng đắn sẽ được tích lũy đủ lâu để trở thành tự động.
Bây giờ nhìn vào luật nhân quả để chúng ta hiểu tại sao việc lựa chọn sẽ tạo ra kết quả.
Khi bạn đối diện với một sự việc A, bạn không nhận thức được sự việc A này là đúng hay sai, bởi vì nó đã diễn ra quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, giống như là bị bệnh, nhà có giỗ, gia đình có việc, đầu tư theo đám đông, vv và cường độ của nó đủ lớn để thu hút sự tập trung của bạn, bạn tập trung vào chính sự kiện A đó và mong nó tốt hơn, bạn đưa ra một quyết định dẫn tới sự kiện B sẽ xuất hiện. Bạn thử hình dung xem, A->B, một khi A đã sai thì liệu rằng B có thể đúng hay không ? cho dù bạn có mong muốn tới cỡ nào, chất lượng của B cũng không phụ thuộc vào mong muốn của bạn.
Hoặc là bạn nhận thức được A đang sai, chưa cần biết B sẽ là gì, thì tập trung vào sửa hoặc thay đổi để A trở nên đúng đắn, thì B chắc chắn sẽ đúng đắn. Ví dụ “bị bệnh” là A đã sai, thì việc nghỉ ngơi với mong muốn khỏe hơn là không hiệu quả, cần nhìn xem “bị bệnh” sai ở đâu, sửa chữa chính chỗ sai đó, mới mang lại được kết quả khỏe mạnh.
Hoặc là bạn nhận thức được B sẽ không đúng, bạn sẽ trì hoãn việc ra quyết định sai lầm lại, quay lại điều chỉnh A, ví dụ việc tôi nghỉ ngơi có thể làm cho tôi cảm thấy tốt hơn một chút vào thời điểm đó nhưng không làm cho tôi hết bệnh, thế thì tôi không lựa chọn nghỉ ngơi nữa, tôi lựa chọn tìm hiểu nguyên nhân làm cho tôi bệnh, sửa chữa chỗ sai và tôi sẽ tự động khỏe mạnh.
Vậy đâu là lựa chọn đúng đắn ? Lựa chọn đúng đắn chính là lựa chọn dẫn tới kết quả phù hợp với mong muốn của bạn và sự phù hợp này phải tuân theo đúng luật nhân quả, không phải là tuân theo ý chí của riêng bạn. Luật nhân quả rất đơn giản, đúng dẫn tới đúng, sai dẫn tới sai, không có sự mập mờ nào khác, nếu có sự không rõ ràng thì là do chính bạn chưa nhận biết rõ ràng mà thôi, nói cách khác, nó không có vùng xám, và bạn phải tự nhận biết chính xác sự chính xác hay không chính xác của mỗi sự việc và hành động của mình.