Trong cuộc sống có nhiều tình huống xảy ra mà chúng ta không hề mong muốn, đối với nhiều người những tình huống không mong muốn đó dường như là cuộc sống của họ, chúng thường trực trong họ từ khi mở mắt ra cho đến khi chìm sâu vào giấc ngủ, đến ngủ mơ vẫn còn cảm thấy không hài lòng.
Một người vợ không hài lòng với chồng điều gì đó, điều đó có thể nhỏ nhặt như hạt đậu, nhưng cũng có thể to tát như miếng đất ngôi nhà, cho dù biểu hiện ở sự việc nhỏ như hạt đậu hay là to như miếng đất ngôi nhà thì bản chất vẫn là sự không thoải mái bên trong người vợ.
Một người chồng cũng có thể không hài lòng với những lời nói thiếu tôn trọng của vợ, hoặc là với những hành vi chi tiêu tốn kém của vợ, cho dù biểu hiện là gì thì bản chất vẫn là sự khó chịu bên trong người chồng.
Một người nào đó, có thể là bất cứ ai trong chúng ta, đang mắc phải một căn bệnh, căn bệnh có thể nhẹ nhàng như cảm cúm, cũng có thể nặng hơn là khối u, ung thư, cho dù biểu hiện của bệnh có mức độ nặng hay nhẹ khác nhau nhưng bản chất bên trong người bệnh là sự không thoải mái, sự khó chịu.
Biểu hiện của những việc gây ra cảm nhận không hài lòng trong chúng ta có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống, cho dù là khi chúng ta ở một mình hay là khi có mặt người khác bên cạnh, sự khó chịu bên trong chúng ta luôn tìm kiếm một đối tượng để thể hiện ra, có thể là với một con muỗi và tìm cách để tiêu diệt nó, có thể là chiếc ghế và chúng ta cũng sẵn sàng co chân đá vào nó, có thể là tiếng gáy của con gà, tiếng sủa của con chó, tiếng loa của cửa hàng hoặc thậm chí là chính bản thân chúng ta: cơ thể không đẹp như một ngôi sao, tài sản không giàu có như một người bạn, vv chính vì thế mới nói, sự hài lòng không chỉ mỗi khi thức, mà cho dù chúng ta đi vào giấc ngủ rồi thì vẫn cảm thấy không hài lòng.
Chúng ta cũng có một thói quen giống nhau khi đối diện với những biểu hiện không mong muốn kia, đó là thói quen mong muốn có được biểu hiện tốt hơn.
Một người vợ đang không hài lòng với chồng thì mong muốn chồng mình tốt hơn, mong muốn chồng quan tâm hơn, yêu thương hơn, tinh ý hơn. Một người chồng đang không hài lòng với vợ thì mong muốn vợ tôn trọng hơn, dịu dàng hơn, tiết kiệm hơn.
Một người nhân viên đang không hài lòng với thu nhập từ công việc hiện tại thì mong muốn được trả công nhiều hơn, được khen thưởng nhiều hơn. Một người quản lý đang không hài lòng với thành tích kém của nhân viên thì mong muốn cấp dưới tôn trọng hơn, nỗ lực hơn.
Bản thân chúng ta mong muốn có nhiều tiền hơn, xinh đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, được ghi nhận nhiều hơn, được quan tâm nhiều hơn trong khi chúng ta đang không hài lòng với biểu hiện hiện tại.
Tất cả những gì được cho là “mong muốn tốt hơn” nghe có vẻ hợp lý, có thể thông cảm, có vẻ chính đáng nhưng thực tế thì sao ? Đó chính là sai lầm chồng lên sai lầm, đây là một sự thật mà không phải ai cũng có thể chấp nhận.
Tại sao lại nói “mong muốn tốt hơn” là sai lầm chồng lên sai lầm ?
Trước hết, chúng ta cần phải xem lại quy luật nhân quả, một gợi ý dành cho bạn đó là hãy nắm chắc quy luật này thì bạn có thể nhìn xuyên qua các biểu hiện để thấy được sự thật.
Chúng ta đã biết rằng chiếc bình gồm sứ sở dĩ có mặt ở hiện thực là bởi vì nó đã được sáng tạo từ trong tư tưởng, chiếc bình gốm là kết quả biểu hiện (ký hiệu là B), và ý tưởng sáng tạo là nguyên nhân (ký hiệu là A, chú ý: đôi khi A bao gồm cả điều kiện – gọi chung là nhân duyên), chúng ta có thể viết lại dưới dạng công thức như sau: A->B, từ nguyên nhân A dẫn tới kết quả B.
Như vậy, nếu B là một kết quả chúng ta không mong muốn, tức là một hoàn cảnh, hoặc một sự việc, hoặc một sự vật mà chúng ta không mong muốn, tức B là một kết quả sai lầm.
Kết quả sai lầm B đến từ nguyên nhân sai lầm A, không phải sao ? chẳng lẽ B tự nó hiện ra mà không cần tới A ? nếu bạn nghĩ B tự sinh ra thì đó vẫn là suy nghĩ sai lầm.
Khi đối diện với một kết quả B sai lầm, chúng ta đáng lẽ nên quay lại tìm và xử lý A, tuy nhiên hầu hết chúng ta đều không làm như vậy, mà chúng ta lại liên tục mong muốn và cố gắng làm cho B tốt hơn. Đó chẳng phải là trên một kết quả sai lầm cố gắng tạo ra một kết quả sai lầm tiếp theo hay sao ?
Ngay khi hiểu được điều này, liệu bạn còn mong muốn chồng hoặc vợ của mình trở nên tốt hơn hay không ? Bạn còn mong muốn hoàn cảnh sống của mình tốt hơn hay không ? Hay là bạn còn mong muốn mình khỏe hơn hay không ?
Tất cả những mong muốn đó là thừa thãi, càng mong muốn thì càng đồng nghĩa với việc tiếp tục kéo dài chuỗi sai lầm của chính mình.
Buông bỏ mong cầu, hãy đặt những mong cầu xuống, vứt bỏ những mong cầu ra khỏi đầu của mình, đây chính là lời khuyên để bạn thực sự bước đầu có được kết quả tốt hơn.
Khi vứt bỏ mong cầu, quay lại xử lý từ nguyên nhân, mọi thứ sẽ tự động đi về đúng quỹ đạo của nó, bạn có thể sẽ thấy kết quả mình đạt được khi đi theo phương hướng này giống với “kết quả mong cầu”, tuy nhiên nó thực sự khác nhau về bản chất tạo ra kết quả.